1. Trang chủ
  2. Món ngon bốn phương
  3. Ẩm thực vùng miền

Cơm tấm Sài Gòn và những câu chuyện không phải ai cũng biết

Thứ năm, 26 tháng 8 2021
Thứ năm, 26 tháng 8 2021


Nếu như nhắc đến một món ăn mang phẩm vị đặc trưng của Sài Gòn, ắt hẳn chỉ có thể là cơm tấm Sài Gòn mà thôi.

Nước ta có sự đa dạng về ẩm thực đến nỗi các vị đầu bếp, các du khách thế giới cũng phải kinh ngạc và trầm trồ về điều đó. Riêng những món ăn sáng thôi đã mang vô vàn đặc trưng riêng biệt của mỗi nơi. Trong đó phải kể đến cơm tấm Sài Gòn, một món ăn sáng mang đầy đủ bản sắc văn hóa của một thành phố đông dân.

Cơm tấm Sài Gòn có từ khi nào?

Món ăn này đã có từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bắt nguồn từ một tiệm cơm tấm có tên Thuận Kiều, tọa lạc tại quận 11. Quán cơm này từng có tiếng quanh vùng. Đến sau năm 1975, nhu cầu ăn uống của người dân ngày càng tăng, cơm tấm Thuận Kiều trước đây chỉ bán như một món ăn sáng, nhưng bấy giờ đã bán luôn cả trưa và chiều. Sau cơm tấm Thuận Kiều, có thêm quán cơm tấm có tên Kiều Giang và hàng loạt quán cơm tấm đã được bán mở rộng trên toàn thành phố.


Cơm tấm đã có từ rất lâu đời ở thành phố đông dân

Món ăn của những người lao động

Được đặt tên là cơm tấm vì được sử dụng những hạt gạo tấm để nấu thành cơm. Hạt gạo tấm thường ít nở, giá lại rẻ hơn những loại gạo khác trên thị trường, nên nấu cơm tấm để tiết kiệm chi phí. Trước đây, phần đông người gọi cơm tấm là những người nông dân, công dân nghèo, hay các bạn sinh viên, học sinh không đủ điều kiện kinh tế. Còn đến bây giờ món ăn này trở thành một phần của Sài Gòn, và cũng là một món ăn phổ biến toàn quốc.


Nhìn có vẻ sang trọng nhưng cơm tấm trước đây là món ăn của người bình dân

Cơm tấm Sài Gòn và sự vươn tầm thế giới

Hiện nay cơm tấm Sài Gòn không chỉ được ưa chuộng bởi người Việt, mà các du khách người nước ngoài khi đến Sài Gòn cũng tìm đến và thưởng thức món ăn này. Trước đây cơm tấm chỉ sử dụng như một món ăn đặc trưng vào buổi sáng, nhưng hiện nay nó đã trở nên quen thuộc ở các quán ăn, cho dù là sáng, trưa hay tối. Cách bài trí cũng được người ta quan tâm hơn, từ cách dùng nĩa, đĩa hay món ăn kèm, khiến món cơm tấm ngày càng trở nên có giá trị.


Có rất nhiều đồ ăn kèm với món cơm tấm

Những thành phần có trong món cơm tấm Sài Gòn

Cơm tấm khác với những loại cơm được nấu thông thường, gạo tấm là phần đầu của hạt gạo bị vỡ trong quy trình xát gạo và phân loại gạo. Trước đây, cơm tấm được nấu ngon nhất khi dùng nồi gang hoặc nồi đất và nấu bằng củi. Tuy nhiên, hiện nay để bớt thời gian, nhiều quán áp dụng cách hấp cách thủy.

Chả trứng làm cơm tấm là hỗn hợp từ các loại nguyên liệu trứng, thịt, nấm hương, mộc nhĩ,... và một số gia vị nêm nếm vừa đủ, sau đó hấp cách thủy cho chín và cắt thành miếng chữ nhật hoặc một góc nhỏ hình tròn. Da lợn được làm sạch, luộc vừa chín tới và thái sợi, trộn thêm thính và một số gia vị vừa ăn. Kèm với đó là củ cải, cà rốt cắt sợi, làm chua; dưa leo, cà chua cũng được cắt lát tròn. Sau này cơm tấm còn được cho thêm trứng ốp la nếu ai thích ăn.


Sườn nướng vẫn là thứ đắt giá nhất trong món cơm tấm


Thứ đắt nhất trong món cơm tấm Sài Gòn chính là miếng sườn nướng. Đây cũng là điểm then chốt và là công thức “bí truyền” của những người bán cơm tấm tại Sài Gòn. Để có được đầy đủ vị của món sườn cơm tấm, họ đã phải ướp bằng rất nhiều loại gia vị để miếng sườn vừa thơm, vừa ngọt thịt, vừa béo, màu đẹp nhưng đến khi cắn vào thịt không quá khô hay bở, thịt cũng không bị quá cháy.

Thứ quan trọng không kém khác đó là chén nước chấm. Nước mắm chan lên cơm tấm sẽ pha tỉ lệ để có vị chua ngọt bao gồm thành phần nước mắm, tỏi, chanh, đường, ớt,... phải đậm đà vừa đủ. Cuối cùng là một ít dầu hành được tưới nhẹ lên cơm.


Cơm tấm không chỉ là món ăn, nó còn tượng trưng cho bản sắc ẩm thực Sài Gòn


Nếu như có dịp đến Sài Gòn, bạn bỏ qua món ăn gì cũng được, nhưng đừng quên thưởng thức món cơm tấm này nhé. Vì cơm tấm Sài Gòn không chỉ là một món ăn, mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn. “Làm một phần cơm tấm, uống một ly cà phê đá”, vậy là bạn đã hoàn thành xong một buổi sáng của người Sài Gòn rồi đấy.

Galaday

 
Tag: Vi vu