1. Trang chủ
  2. Món ngon bốn phương
  3. Vào bếp

Cách làm món bánh khọt Vũng Tàu thơm ngon trứ danh

Thứ năm, 9 tháng 9 2021
Thứ năm, 9 tháng 9 2021

Bánh khọt Vũng Tàu là một trong những món ăn đặc trưng của thành phố biển này, mà khó nơi nào có thể làm giống hương vị bánh khọt nơi đây.

Bánh khọt Vũng Tàu luôn làm hài lòng thực khách bởi hương vị hấp dẫn, thơm ngon, béo ngậy. Nào các bạn hãy cùng vào bếp, để thực hiện món bánh khọt theo công thức của người Vũng Tàu nhé.

Nguyên liệu làm bánh khọt Vũng Tàu

Phần nguyên liệu làm bánh cho 4 người gồm:

  • 200gr bột bánh khọt
  • 400ml nước cốt dừa
  • 300gr mực
  • 300gr tôm thẻ
  • 2 muỗng cà phê tỏi băm
  • Bột tôm
  • 50gr hành lá xắt nhỏ
  • 2 muỗng canh nước mắm
  • 2 muỗng cà phê nước cốt chanh
  • 2 muỗng cà phê ớt băm
  • 4 muỗng cà phê đường
  • 1 lít dầu ăn
  • Một ít rau thơm


Bánh khọt Vũng Tàu là một trong những món đặc trưng của nơi đây

Cách chọn nguyên liệu

- Cách chọn tôm tươi:

Bạn nên mua tôm sống, có lớp vỏ ngoài trong suốt và có mùi nước biển chứ không phải mùi tanh. Phần đầu dính chặt vào thân, đuôi tôm xếp lại với nhau, thân hình thẳng hoặc hơi cong là tôm còn tươi.

Nếu vào mùa biển động không có tôm tươi bạn cũng có thể mua tôm đông lạnh. Tôm đông lạnh phải còn nguyên các bộ phận, sờ vào thấy mềm tự nhiên và không có mùi tanh.

Tuyệt đối không mua tôm có đốm đen dưới vỏ, tôm có thân cong tròn, đuôi xòe ra vì đây là tôm kém chất lượng.


Bánh khọt ăn kèm với dưa đu đủ, rau sống và chấm kèm nước mắm chua ngọt

- Cách chọn mực tươi:

Nếu trên thân mực, phần thân trắng có màu đục như sữa, phần lưng nâu có màu nâu sậm thì đó là mực tươi ngon.

Dùng tay ấn vào thân mực, cảm nhận được sự săn chắc của thịt và có sự đàn hồi thì đó là mực ngon, ngược lại nếu mực lõm xuống và đàn hồi kém là mực không còn tươi.


Mỗi người chỉ cần ăn một dĩ từ 8-10 bánh là đã no căng

Cách sơ chế

- Sơ chế tôm, mực:

Tôm lột vỏ, rút chỉ, bỏ đuôi rồi lấy phần thịt, sau đó xé nhỏ thịt.

Mực rút lấy phần đầu, sau đó nhẹ nhàng rút bỏ phần túi mực (tránh làm vỡ túi mực), rút xương sống (nang mực). Cắt bỏ phần khối tròn giữa đầu mực (răng mực) và mắt mực sau đó rửa lại rồi cắt khoanh.

- Pha bột để đổ bánh khọt:

Trộn hành lá đã xắt nhỏ và nước dừa vào bột bánh khọt, để bột nghỉ trong vòng 5 đến 10 phút.

Bánh khọt có rất nhiều nơi có bán, nhưng bánh khọt Vũng Tàu vẫn giữ được nét riêng biệt

- Pha nước chấm:

Công đoạn này tưởng chừng đơn giản nhưng lại quyết định chất lượng của bánh khọt.

Nước mắm: 2 muỗng canh nước lọc, 2 muỗng canh nước cốt chanh và 4 muỗng cà phê đường. Khuấy đều hỗn hợp này cho đường tan hết, sau đó cho 2 muỗng cà phê tỏi băm và 2 muỗng cà phê ớt băm vào.

- Đổ bánh:

Chuẩn bị khuôn đổ bánh khọt, cho 1 muỗng cà phê dầu ăn vào mỗi khuôn chà đều, đợi dầu nóng già thì từ từ đổ bột vào khuôn, cho 1 con tôm hoặc 1 khoanh mực vào mỗi khuôn và đậy nắp lại. Bạn chờ khoảng 2 phút thì mở nắp và gắp bánh ra. Nếu lửa đủ nóng thì sau 2 phút, bánh sẽ vàng đều, sau đó phủ bột tôm lên bánh.

Và như vậy bạn đã hoàn thành món bánh khọt Vũng Tàu với mùi thơm béo ngậy của nước cốt dừa, phần nhân tôm mực tươi ngon kèm với rau thơm và nước chấm đậm đà, làm rôm rả thêm câu chuyện gia đình trong ngày cuối tuần.


Bánh khọt nóng ăn vào những ngày mưa sẽ còn ngon hơn rất nhiều


Hi vọng bữa ăn gia đình của bạn sẽ phong phú thêm với công thức làm bánh khọt Vũng Tàu thơm ngon, thưởng thức món ăn này vào đúng dịp mưa sẽ còn trọn vẹn hơn nữa phải không nào?




Dealtoday



 
Tag: ăn uống