1. Trang chủ
  2. Cảm hứng du lịch
  3. Cẩm nang du hý

Khu di tích giàn Gừa - Điểm tham quan lịch sử đặc biệt tại Cần Thơ

Thứ năm, 26 tháng 8 2021
Thứ năm, 26 tháng 8 2021

Có một di tích lịch sử tại Cần Thơ đã được hình thành từ rất lâu, ngay từ thuở khai hoang lập ấp, cho đến nay địa danh này được đặt tên là khu di tích Giàn Gừa.

Khu di tích Giàn Gừa được xem là một danh lam thắng cảnh đẹp, hơn nữa nơi đây còn gắn liền với lịch sử hình thành của Phong Điền, cũng là cái nôi cách mạng mang truyền thống anh dũng đấu tranh bất khuất của quân và dân Cần Thơ.

Giàn Gừa còn được xem là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, để nhân dân mong cầu quốc thái dân an, thiên thời địa lợi nhân hòa.

Địa chỉ khu di tích Giàn Gừa

Khu di tích Giàn Gừa trực thuộc ấp Nhơn Khánh, Nhơn Nghĩa, Phong Điền, Cần Thơ. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 14km.

Về hướng đi, có hai cách để đi đến địa điểm tham quan du lịch này:

Cách thứ nhất: Đi theo hướng quốc lộ Vòng Cung, trực thuộc địa bàn xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, sau đó đi qua phà để đến xã Nhơn Nghĩa và bạn hãy hỏi thăm đường đi đến di tích, người dân họ sẽ chỉ cho bạn điểm đến.

Cách thứ hai: Từ hướng Cần Thơ đi về Hậu Giang, bạn rẽ hướng vào quốc lộ 61B, đi đến gần đoạn chân cầu Rạch Sung, sau đó rẽ trái, sẽ có bảng chỉ dẫn đường vào di tích.


Giàn Gừa đã được tồn tại hơn 1 thế kỷ

Khung cảnh Giàn Gừa

Nơi đây sở hữu những cây Gừa đã có đời sống trên 100 năm tuổi. Cây gừa là một loại cây cổ thụ, đại diện và thích nghi được trong vùng sinh thái ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một dạng cây khá hiếm và lạ mắt so với những cây khác, hơn nữa nơi này lại trồng rất nhiều, nên nghiễm nhiên trở thành khu du lịch sinh thái đặc trưng tiêu biểu.

Giàn gừa trước đây được trồng trên một diện tích đất rất lớn, nhưng vì lý do chiến tranh tàn phá, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, vì thế hiện nay khu di tích chỉ còn khoảng 2.700 m2.

Đến với Giàn Gừa, khách tham quan chắc chắn sẽ cảm thấy ngạc nhiên với cảnh quan nơi đây, với những tán cây gừa nguyên sinh vững chắc, nhiều cành, nhiều nhánh đan xen nhau, quyện chặt vào nhau, tạo thành một tấm lưới khổng lồ, khó phân biệt được phần nào là gốc, phần nào là nhánh.


Vì tác động chiến tranh mà trước đây Giàn Gừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng

 

Những cành gừa nơi đây cũng là mang theo những vết tích chiến tranh còn in hằn, khi những vết đứt, những vết loang lổ bị tác động bởi bom đạn vẫn còn ghi dấu ấn. Tuy nhiên, những cành gừa với sức sống mãnh liệt vẫn luôn đâm chồi, nảy lộc và vươn thân mình rợp bóng. Hiện tại khu di tích Giàn Gừa được xem là có 1-0-2 tại Việt Nam. Hơn nữa diện tích của khu di tích hiện nay đã được cây vươn nhánh mở rộng, cực kỳ ấn tượng với 4.000m2.

Nét lịch sử mang tính tâm linh trong khu di tích Giàn Gừa

Theo truyền thuyết mà một số người lớn tuổi của tộc họ Nguyễn ở xã Nhơn Nghĩa kể lại: Vào năm 1857 (năm Đinh Tỵ). Nhiều nhóm người dân di cư từ khu sông Tiền đến làng Nhơn Nghĩa nhằm khai hoang, sinh sống và lập nghiệp. Trong những nhóm người di dân đó, có cả gia tộc họ Nguyễn, đứng đầu là ông Cả.


Giàn Gừa được xem là một vùng đất tâm linh

Tại thời điểm bấy giờ, khu di tích Giàn Gừa cũng đã tồn tại, nhờ vào những tán cây rộng, rợp mát trời, nên người dân nơi đây luôn cảm thấy yên bình và mát mẻ. Hơn thế nữa, đất đai tại Nhơn Nghĩa khá phì nhiêu, màu mỡ, nên việc khai hoang không gặp bất lợi gì, khu đất đai của họ Nguyễn cũng ngày càng được khai mở, giao thương vì thế mà phát triển, người dân cũng đủ ăn đủ mặc.

Tuy nhiên, có một thời điểm vùng này xảy ra tai hỏa hoạn khiến giàn gừa bị cháy, tuy lúc cháy giàn gừa không ảnh hưởng đến tính mạng con người, như sau đó ngôi làng bỗng dưng xuất hiện nhiều dịch bệnh, tồi tệ hơn là nhiều con cháu ông Cả thuộc dòng họ Nguyễn bỗng dưng bị bệnh mà chết.


Nhìn vào khung cảnh Giàn Gừa, rất khó phân biệt đâu là nhánh đâu là gốc

 

Lúc này, thầy Bảy ở núi Châu Đốc, chủ yếu hành nghề y bốc thuốc Nam đến chữa bệnh cho những người dân trong làng. Vị y sĩ có nói giàn gừa này là khu vực vùng đất thiêng, là nơi trú ngụ của Thượng Động Cố Hỷ. Nên khi giàn gừa bị cháy rụi, bà ấy nổi giận vì không còn chỗ để về. Vì vậy nếu về sau muốn an cư lạc nghiệp, người dân ngôi làng phải trồng và chăm sóc lại hàng gừa cũng như hằng năm chọn ngày làm lễ cúng Bà.

Sau đó, những cây gừa cũng được trồng lại, dịch bệnh và tai ương cũng giảm dần, người dân trở về cuộc sống bình yên.


Đây cũng là nơi thờ tự bà Thượng Động Cố Hỷ


Cho đến tận bây giờ con cháu của dòng họ Nguyễn vẫn dựng miếu nhằm thờ cúng Bà Thượng Động Cố Hỷ cũng như lấy ngày Vía là ngày 28 tháng 2 (AL) hằng năm, cầu mong mưa thuận gió hòa, lễ hội này đã thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự.

Chính vì điển tích tâm linh trên, cùng với sự quy mô và đồ sộ vì sự vươn lên của khu di tích giàn Gừa, chắc chắn đây sẽ là một điểm đến khiến du khách mở mang thêm kiến thức, đời sống tâm linh, cũng như chiêm ngưỡng thêm một phong cảnh thiên nhiên khá đặc biệt ở Cần Thơ nhé!

 



Dealtoday



 
Tag: Vi vu